Năm 2015, lần đầu tiên Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi “2 trong 1”. Khi các khâu chuẩn bị đã hoàn tất, hi vọng kỳ thi diễn ra đúng như mong đợi.
Mặc dù đã được trấn an về mặt tinh thần nhưng nhiều người cũng không khỏi lo lắng, hoang mang về những hệ lụy từ kì thi chung này.
Tác giả Việt Cường một lần nữa đại diện cho một nhóm các "ông giáo già" mạo muội đưa ra dự đoán của mình với mong muốn những điều này sẽ không đúng và không xảy ra.
Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả các dự đoán này.
Việc Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi chung dùng kết quả để xét Tốt nghiệp THPT và Tuyển sinh Đại học là một khâu đột phá trong đổi mới giáo dục ở nước ta.
Những mặt tích cực của nó đã được Bộ GD&ĐT nói nhiều qua các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, thực tế như thế nào vẫn còn phải chờ đợi cho đến lúc công bố điểm số và kết quả xét tuyển Đại học.
Dựa trên những số liệu và tình hình cụ thể của ngành giáo dục, chúng tôi đưa ra một số dự đoán trái chiều để cảnh báo sớm những hệ lụy sẽ đến từ kỳ thi này với mong muốn những người, những cơ quan có trách nhiệm trong ngành giáo dục cùng lo nghĩ và tìm giải đáp khắc phục. Tất nhiên, những dự đoán đúng sai như thế nào phải chờ đến kết quả cuối cùng.
Thứ nhất, có tới gần 1/3 thí sinh chỉ đăng ký thi tốt nghiệp THPT, không đăng ký xét tuyển vào Cao đẳng và Đại học, cho nên được thi ngay tại tỉnh nhà.
Gần 1 triệu thí sinh chuẩn bị bước vào kì thi Tốt nghiệp THPT 2015
Số học sinh này đa phần là học yếu, một số ít do hoàn cảnh gia đình khó khăn, không đủ điều kiện kinh tế để học Cao đẳng và Đại học, hoặc không có nhu cầu học lên, chỉ cần lấy bằng Tốt nghiệp THPT rồi đi làm.
Hơn 2/3 số thí sinh đăng ký xét tuyển vào Cao đẳng và Đại học sẽ được thi ở các điểm thi khu vực, do các trường Đại học trực tiếp tổ chức thi và chấm điểm.
Hầu hết các em đều có lực học khá, giỏi, trình độ và năng lực cao hơn các em chỉ đăng ký thi tốt nghiệp ở địa phương.
Tuy nhiên, rất có thể tỷ lệ học sinh tốt nghiệp ở địa phương sẽ cao hơn tỷ lệ học sinh tốt nghiệp thi ở các khu vực do Bộ GD&ĐT tổ chức. Chúng tôi dự báo tỷ lệ này sẽ là 98% trở lên, thậm chí nhiều tỉnh còn đạt đến 100%.
Lý do: việc coi thi và chấm thi tốt nghiệp ở tỉnh nhiều năm nay vẫn được tổ chức và thực hiện theo kiểu nhẹ nhàng, dễ dãi và cũng một phần vướng vào bệnh thành tích.
Do đó, có trường hợp các Sở GD&ĐT điều tiết tỷ lệ, nâng điểm cho học sinh để đạt được kết quả tốt nghiệp cao nhất.
Hiện tượng học sinh được tạo điều kiện thuận lợi trong làm bài, thậm chí hiện tượng giám thị bảo bài cho thí sinh, thí sinh chuyển “phao” cho nhau trong phòng thi ngay trước mắt giám thị… không phải là chuyện hiếm, đã từng xảy ra ở nhiều nơi mà báo chí nhiều năm qua đã phản ánh.
Chúng tôi dự đoán rất có thể tổng điểm của học sinh chỉ thi tốt nghiệp ở tỉnh nhà sẽ rất cao. Tất nhiên, đấy không phải là điểm thật, trình độ thật.
Do vậy, sau này, nếu đem điểm này mà xét tuyển vào Đại học thì quả thật là nguy hiểm.
Ngược lại, những học sinh thi ở khu vực do các trường Đại học tổ chức, tổng điểm có thể thấp hơn nhiều và đương nhiên tỷ lệ tốt nghiệp cũng sẽ thấp hơn nhiều.
Điều này là do các trường Đại học có kinh nghiệm tổ chức thi và chấm thi nhiều năm, làm việc khoa học, nghiêm túc, khách quan và công bằng, không chịu sức ép của bệnh thành tích. Kết quả thi phản ánh năng lực và trình độ của thí sinh tương đối chính xác.
Những thí sinh hầu hết trình độ cao hơn lại có kết quả thấp hơn. Do đó, sự bất công và thiệt thòi cho thí sinh thi ở khu vực sẽ diễn ra trên diện rộng.
Nếu dự đoán của chúng tôi là đúng thì quả thật đây sẽ là một thất bại lớn của kỳ thi chung năm nay và sẽ để lại nhiều hệ lụy phức tạp cho xã hội.
Dự báo thứ hai: điểm thi ở các khu vực do Bộ GD&ĐT tổ chức cũng sẽ có những kết quả khác thường.
Điều này là do một số trường Đại học mới được thành lập như Đại học Tân Trào (Tuyên Quang),… cũng được tổ chức thi và chấm thi Đại học năm nay.
Những trường Đại học này chưa bao giờ tổ chức thi Đại học và cũng chưa bao giờ phải tổ chức một kỳ thi có số lượng thí sinh tham dự nhiều như thế.
Kinh nghiệm và nền nếp tổ chức thi chưa có, tất yếu sẽ dẫn đến sự bỡ ngỡ, thiếu đồng bộ và nhiều sai sót.
Đây là điều kiện để những hiện tượng tiêu cực xuất hiện từ ngay trong phòng thi, rất có thể còn có trong khâu giao, nhận bài thi. Sức ép từ địa phương cũng có thể làm cho đơn vị tổ chức thi lúng túng và khó xử, dẫn tới việc cố tình làm sai hoặc nhắm mắt cho qua trước cái sai.
Tổ chức thi đã thế, tổ chức chấm còn phức tạp hơn nhiều. Hầu hết giáo viên chưa từng chấm thi Đại học bao giờ, chỉ quen chấm thi tốt nghiệp phổ thông.
Đề thi năm nay không thể giống đề thi năm trước vì là kết hợp hai kỳ thi, vì còn lấy điểm để xét tuyển Đại học. Sẽ có những câu khó hơn, những câu phân biệt trình độ học sinh. Không có kinh nghiệm chấm điểm, chắc chắn không thể chính xác, khách quan được.
Ấy là còn chưa kể đến những chuyện tiêu cực khác như chạy điểm, mua điểm, tráo bài thi… rất có thể xảy ra ở những nơi chưa có kinh nghiệm chấm thi như thế này.
Chúng tôi dự báo rằng kết quả học sinh đỗ vào các trường Đại học có điểm chuẩn cao như Học viện An Ninh, Cảnh Sát, Quân Y, Đại học Ngoại Thương, Đại học Y, Dược Hà Nội… thi ở các trường Đại học mới thành lập sẽ rất cao, thậm chí cao ngất ngưởng.
Những tỉnh miền núi như Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai… những năm trước số học sinh đỗ vào các trường tốp đầu này không nhiều nhưng năm nay có thể cao gấp bội.
Trong khi đó, những học sinh thi ở Thái Nguyên, Hà Nội… có thể giỏi hơn, trình độ cao hơn hẳn thì tỷ lệ đỗ lại rất thấp.
Nếu dự báo của chúng tôi là đúng thì các trường Đại học tốp đầu kia năm nay sẽ đón một lứa học sinh không như mong đợi. Đến lúc ấy thì sẽ dở khóc dở cười. Hệ lụy đào tạo Đại học thật khôn lường.
Chúng tôi mong muốn có một cơ quan hoặc một tổ chức kiểm định độc lập, tổ chức thống kê, phân loại thật kỹ kết quả đỗ tốt nghiệp và đỗ Đại học năm nay ở tất cả các Sở GD&ĐT, so sánh với kết quả các năm trước thì vấn đề sẽ rõ ngay.
Tất nhiên, chúng tôi vẫn tin tưởng Bộ GD&ĐT đã tính toán hết những hệ lụy này và đã có những giải pháp cụ thể để kỳ thi năm nay đạt được kết quả tốt nhất. Nhưng những băn khoăn, lo lắng là điều không thể tránh khỏi.
Chúng tôi mạo muội đưa ra những dự đoán của mình với tính chất phản biện tích cực và xây dựng. Chúng tôi mong những dự báo của mình sẽ không đúng và không xảy ra. Nếu thế thì đây sẽ là phúc lớn của nền giáo dục nước nhà.
Việt Cường
0 nhận xét | Viết lời bình